CÂU CHUYỆN CỦA FUTURE COFFEE FARM
CHUYỆN VỀ NÔNG TRẠI CÀ PHÊ CỦA TƯƠNG LAI
Tôi sinh ra vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trong một gia đình có tám anh chị em. Giống như đại đa số nông hộ Việt Nam thời kỳ ấy, cái nghèo, cái đói luôn đeo bám gia đình tôi. Thương mẹ nhiều năm vất vả, tảo tần sớm hôm nuôi tám người con khôn lớn, năm 16 tuổi, tôi rời quê vào TP. Hồ Chí Minh (cách nơi tôi sinh ra 1700km) với hi vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tại đây, tôi làm tất cả mọi thứ, từ công nhân, quản lý, tự mình mở cửa hàng kinh doanh...
13 năm ở nơi đất khách, đến khi 29 tuổi, tôi dành dụm được một số tiền và quyết định lấy vợ. Rồi cuộc sống thành phố lại thêm phần khó khăn khi vợ chồng tôi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Không muốn tiếp tục thay đổi chỗ thuê nhà, tôi đưa vợ về quê ngoại sinh em bé, một mình lên Bảo Lộc, Lâm Đồng lập nghiệp. Đây là quyết định cá nhân, vợ tôi không hề biết. Chuyến đi này tôi tham vọng nhiều hơn 13 năm trước, tôi đi tìm cuộc sống tốt đẹp và sự ổn định cho một tương lai xa hơn.
Một mình ở đảo hoang
Không có nhiều tiền trong tay, không có nhiều lựa chọn, tôi dùng toàn bộ số tiền 500 đô la để mua một hòn đảo ở giữa dòng sông và bốn con bò (số bò này tôi mua trước đó để anh trai luôi theo kiểu nếu bò sinh sản thì chia đôi số bò con). Tôi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới ở đảo hoang với tất cả nỗ lực có thể. Tôi sống một mình (vì vợ đang về quê sinh bé gái đầu), tôi tự cung tự cấp, dùng mọi thứ có thể tận dụng, chặt cây rừng làm nhà, làm rường ngủ, làm chuồng bò, cá thì đánh dưới suối, rau thì tự trồng. Vài nhu yếu phẩm không thể làm ra như muối, gạo, đường thì vay mượn của chị gái (một năm sau khi tôi gửi lại tiền, chị chỉ lấy tiền gạo). Hồi đó không có tiền là bình thường, còn có tiền với tôi là điều gì đó rất bất thường. Tôi luôn phải tiết kiệm mọi thứ có thể. Mỗi lần phải ra thị trấn, tôi chạy xe nhưng khi xuống dốc thì tắt máy, thả dốc, cho đến khi xe hết đà, tôi mới khởi động lại để tiết kiệm tiền xăng.
Có một kỉ niệm về số tiền nhiều nhất mà tôi có được. Đó là Tết nguyên đán của người Việt, tôi đón người chú ruột lên thăm. Nhìn cảnh tôi sống giữa đảo hoang, thiếu thốn đủ thứ, trong nhà chỉ có mấy cái xoong, một cái radio cũ, điện cũng không có, tất cả mọi sinh hoạt được thiết kế trong căn chòi 5m2, chú tỏ ra rất lo lắng. Khi tôi đưa ông ra thuyền để rời đảo, ông hỏi bằng giọng ái ngại: “Cháu có chịu nổi gian khổ không”. Tôi trả lời: “Nhà người ta có điều kiện cho con đi học Đại học. Gia đình chúng cháu đông anh em, cháu xem đây là 5 năm học Đại học của cháu. Nếu 5 năm sau cháu thất bại, chú cứ la mắng. Còn giờ này, cháu xin chú hãy cứ động viên cháu thôi”.
Trước khi ra về, chú đưa hết cho tôi số tiền trong người, 250 ngàn VNĐ, tương đương 13 đô la. Đây cũng là số tiền mặt nhiều nhất mà tôi có trong túi trong những ngày khởi nghiệp đầu tiên.
Cuộc sống gian khổ cứ thế trôi qua với tôi, một mình, giữa hòn đảo hoang.
Thực ra tất cả khó khăn như vậy với tôi vẫn là chuyện bình thường. Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo, cuộc sống cơ cực từ nhỏ. Cái nghèo dạy cho tôi biết cách phải giữ hi vọng, rằng bằng chính nỗ lực của mình, một ngày nào đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Tôi sẽ trồng thêm bắp, trồng bí để có thêm tiền sinh hoạt. Những con bò của tôi sẽ sinh sản rất nhiều bò con và tôi sẽ bắt đầu lập nghiệp với đàn bò. Nghĩ vậy nên tôi cũng chẳng bao giờ tự cho là mình đã khổ. Cái thứ tôi thấy thiếu thốn nhất trong thời gian này cũng không phải là tiền. Bây giờ có tiền tôi cũng có biết mua sắm gì đâu.
Nhưng cái đảo nhỏ bé ấy khiến tôi cô đơn quá. Tôi nhớ vợ con kinh khủng. Từ ngày vợ sinh, tôi chưa được gặp mặt cháu một lần. Ở đó, thứ duy nhất có thể phát ra tiếng người là chiếc radio cũ thì lúc có sóng, lúc không. Thỉnh thoảng có những người đồng bào dân tộc đi bắt cá ngang qua họ cũng nói chuyện bằng tiếng dân tộc riêng của họ vì vậy tôi cũng chẳng biết họ nói gì.
Nhiều lúc, tôi thèm nói chuyện kinh khủng.
Trải nghiệm kinh hoàng nơi đảo hoang
Mùa mưa Tây Nguyên năm 2007, nơi tôi ở mưa tầm tã không ngớt. Do địa hình khe suối hẹp và đồi dốc, nước lũ càng dâng lên nhanh chóng. Sau khoảng một tháng kiên trì bám trụ ở đảo, vào một buổi chiều lũ xiết, cảm thấy sự nguy hiểm gần kề, tôi bỏ lại nhà và mấy con bò, chèo thuyền rời đảo để về nhà chị gái ngủ nhờ. Con thuyền bé nhỏ được làm bằng tấm tôn, chật vật vượt qua dòng lũ chảy xiết và trôi một khoảng dài mới cập được bến nhờ túm được vào một cây ở ven suối .
Đêm hôm đó, trời mưa rả rích không ngớt. Không cách nào ngủ được, trời vừa sáng, tôi vội chạy về đảo. Trước mắt tôi là dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn đổ xuống đảo và tràn vào nhà, qua chuồng bò. Những góc cây to bị lũ cuốn trôi, lăn lóc trên những bãi bồi. Nếu nước cứ dâng với tốc độ này, chẳng mấy chốc mà chuồng bò, ngôi nhà tôi ở và cả mấy con bò sẽ bị cuốn trôi.
Chị gái tôi đã sống ở đây nhiều năm, như đoán được tình hình cũng chạy đến. Nhìn hòn đảo đang bị nhấn chìm, mấy con bò, tài sản lớn nhất của tôi sắp bị cuốn trôi, không nói không rằng, chị ngồi xuống oà khóc.
Trời khóc, chị khóc, tôi cũng khóc.
Nhưng ngồi khóc mãi cũng không có tác dụng. Tôi phải cứu đàn bò. Lấy hết cam đảm, tôi chèo chiếc thuyền nhỏ chòng chành vượt dòng nước lũ. Việc đầu tiên là lùa đàn bò lên đến nơi cao nhất của hòn đảo. Quay lại căn chòi, khi đó đã bị nước lũ ngập đến tận đầu gối, không hiểu sao tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ, lấy một cái xoong, bẻ những thứ có thể cháy được cho vào rồi đốt. Lửa cháy, làn khói toả ra khắp căn chòi làm tôi thấy ấm áp lạ thường. Khi ấy tôi có một niềm tin rằng, ông trời sẽ thương mình và sẽ không cuốn tất cả tài sản của mình đi theo dòng nước lũ.
Đang suy nghĩ miên man thì bỗng có một tiếng gọi rất to từ bờ bên kìa: “Tới ơi, tao ở đây bao nhiêu năm rồi, nước lũ không bao giờ ngập được hòn đảo, mày cứ chèo thuyền về đi, ở bên đó nguy hiểm lắm”. Khi ấy đã ngả tối, tôi quay lại thuyền, chèo ngược về phía đất liền với hi vọng trời sẽ ngừng mưa. Với địa hình đồi dốc, nếu không mưa, nước lũ cũng sẽ rút rất nhanh. Và đúng vậy, chỉ sau một đêm, mưa ngớt, dòng nước đi nhanh y như cách nó kéo đến. Quang cảnh còn lại là mấy nghìn mét vuông đất trồng bắp bị dòng nước lũ tràn qua vùi lấp. tôi cùng chi gái nhạt nhặnh những quả bắp còn xót lại nhô lên khỏi mặt đất. Có những trái bắp đã nẩy mầm do ngâm nước lâu ngày .
Mùa lũ kinh hoàng năm ấy, đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.
“Chúng ta sẽ bắt đầu từ đây”
Sau khi vợ sinh con gái đầu lòng được một năm, tôi bảo vợ gửi con ở nhà ngoại và về Bảo Lộc sống cùng mình (vì ở đảo bốn bề là nước nếu mang con vào sẽ rất nguy hiểm). Cái ngày đầu tiên lấy xe máy đưa vợ về đảo, đi trên những con đường ngoằn ngoèo trơn trượt (và cũng bị té vài lần), rồi chèo thuyền ra căn chòi nhỏ, trong lòng tôi không ngớt lo lắng. Về đến nơi, dẫn cô ấy đi tham quan xong một lượt, tôi liền hỏi: “Em có sống ở đây được không?” Vợ tôi trả lời: “Được. Em sống được. Chúng ta sẽ bắt đầu từ đây”. Nghe vợ nói vậy, tôi vừa mừng, vừa thương em vô cùng.
Trước khi cưới nhau, hẳn cô ấy không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ về một nơi xa xôi, hẻo lánh đầy gian khổ như thế này. Nếu lúc ấy vợ tôi không chịu nổi cảnh tượng trước mắt mà oà khóc, chắc chắn sẽ không bao giờ có Future Coffee Farm của ngày hôm nay.
Nếu em khóc, chắc chắn tôi sẽ bỏ tất cả mọi thứ ở lại và trở về Sài Gòn tiếp tục cuộc sống bếp bênh trong những căn nhà đi thuê và mệt tương lai phía trước cho mình và cho con không biết như thế nào.?
Chị gái tôi sống ở ngoài đường lớn vì thương em lên cuối tuần lại gọi ra mua đồ ăn ngon và kêu vợ chồng tôi ra ăn cơm. Có một hôm khi ăn cơm chiều xong quay lại đảo vào buổi tối do mưa ở đầu nguồn to nước dâng cao đã cuốn trôi con thuyền đi mất. Một tay tôi lắm tay em một tay dùng đoạn cây chống chúng tôi dò dẫm trong đêm lội qua suối để về đảo ngủ.
Ngôi nhà mua bằng tiền bán bắp luộc
Để vượt qua chuỗi ngày khó khăn, tôi luôn hướng về những điều tốt đẹp. Ông trời không lấy hết của ai. Cái này bị lấy đi, ông sẽ cho tôi cái khác để bù đắp lại. Ông cho tôi nỗi kinh hoàng về trận lũ thì bù lại cho tôi một bãi bồi phù sa màu mỡ. Khó khăn không làm tôi nản chí, ngay tại những bãi bồi trước đó ngập nước nay được nước lũ bồi đắp tôi và vợ bắt đầu kế hoạch tăng gia sản xuất Vợ chồng tôi chọn trồng cây bắp vì nó ngắn ngày, chỉ sau 75 ngày là có thể thu hoạch bắp tươi mang đi bán.
Những khoản thu nhập đầu tiên của việc trồng bắp (ngô) chẳng đáng là bao vì giá bán bắp tươi nguyên quả quá rẻ mạt. Tôi bàn với vợ về chuyện thay đổi cách làm, không nên tiếp tục bán bắp tươi, bắp luộc sẽ cho thu nhập cao hơn. Nghĩ là làm, tôi chạy ra nhà ông chú, mượn cái nồi thật to mà ông vẫn thường nấu rượu về để luộc bắp chiều hôm đó, tôi thu hoạch mẻ bắp mới. Hai giờ đêm, tôi dậy luộc bắp. Năm giờ sáng, tôi vớt bắp bỏ vào giỏ mang lên thuyền, chuyển sang đất liền để mang đi bán. Trời khi ấy vẫn chưa sáng tỏ, đường dốc, khó đi, trơn trượt, con đường phía trước vẫn mù mịt còn tôi thì chưa biết mình sẽ phải bán bắp ở đâu.
Chắc các bạn sẽ hỏi sao không để vợ đi bán vâng vì con đường nhỏ men theo suối rất trơn trượt đến mình đi Còn phải trượt và ngã thì vợ mình không thể nào làm được. (Nhưng cái quan trọng là tôi chịu trách nhiệm về cuộc sống của gia đình, khi tôi mang em về đây tôi sẽ phải là người đi kiếm tiền để luôi sống gia đình tôi phải như ngọn lửa luôn cháy để sưởi ấm gia đình mình).
Lang thang dọc con đường nhựa, tôi may mắn tìm được một nhà thờ đang làm lễ. Tôi giới thiệu với một cô khách rằng mình bán bắp luộc, giá là 1500 vnđ/cái, nếu cô mua mở hàng thì giá chỉ là 1200 vnđ. Vị khách đầu tiên hào phóng mua giúp tôi mua 20 cái và chia cho mọi người. Bắp trồng ở bãi phù sa, bón bằng phân bò ủ hoai mục và được chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng rất tốt. Nó ngọt thơm, dẻo, ai ăn cũng khen ngon. Chỉ trong vòng 30 phút, xe bắp luộc đầu tiên đã bán hết sạch. Tôi chạy vội về nhà, lòng chưa bao giờ vui như thế. Vợ tôi chèo thuyền ra đón, vẻ mặt đầy bất ngờ “Hết rồi hả anh?”
“Ừ, hết rồi, sống rồi em ạ. Có cách sống rồi”
Và thế là chúng tôi quyết định tiếp tục “kinh doanh” bắp luộc. Giá trị của một cái bắp luộc so với bắp tươi cao hơn gấp nhiều lần. Tôi tận dụng tất cả những bãi bồi ven suối khoảng 20.000m2 đất và chia ra làm 10 ô. Mỗi tuần tôi trồng 1 ô, hết 10 ô là hết khoảng hơn 2 tháng. Sau đó tôi quay về thu hoạch. Cái bắp mang đi bán, thân bắp chúng tôi chặt cho bò ăn. Thu hoạch tới đâu, tôi lại trồng bí đỏ tới đó. Bí đỏ cũng là nguồn thu nhập đáng kể, ngọn bí tôi bán cho bà con dân tộc (rau bí là món ăn mà đồng bào dân tộc rất thích để làm món ăn) còn trái bí thì tôi chở ra ngoài thị trấn.
Bắt đầu có thu nhập, tôi về quê đón con gái về ở chung cảm giác được gặp con là cảm giác tuyệt vời nhất tôi và vợ ở lai chơi với ông bà ngoại vài ngày rồi xin phép được đón con về ở cùng tại Bảo Lộc. Khi chính thức mang con rời khỏi quê ngoại lúc này tôi mới cảm nhận hết trách nhiệm trực tiếp với con tôi từng giây phút. Vì nhớ ông bà ngoại cũng như trên xe quá nóng và chật chội (ngày đó chưa có xe giường nằm như bây giờ) con gái tôi đã khóc suốt trong quá trình di chuyển từ Quảng Ngãi và Bảo Lộc và tôi đã phải mang hết những bài hát trẻ con ra hát trên suốt chặng đường để dỗ dành con mình.
Chúng tôi rời đảo, mướn một căn nhà nhỏ vì không thể để con sống ở nơi sông nước nguy hiểm và vì bây giờ cũng có thu nhập cho việc thuê nhà. Thu được thêm một vụ bắp và một vụ bí, hai vợ chồng để dành được 30 triệu VNĐ (tương đương 1.500 đô la) là bắt đầu nghĩ đến chuyện mua nhà. May mắn tìm được một căn khoảng 70 triệu (tương đương 3.500 đô la), tôi xin đề nghị trả góp. Tôi sẽ trả trước 30 triệu, 4 tháng sau trả nốt phần còn lại cùng với khoản lãi tương đương với lãi suất ngân hàng.( đó là năm 2009 sau hơn ba năm về vùng đất mới.)
Thế là vợ chồng tôi lại tiếp tục trồng thêm một vụ bắp và một vụ bí. Mùa vụ này mang đến một khoản tiền mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới, hơn 40 triệu đồng. Tôi lập tức mang đi trả tiền nhà. Và đó vẫn là căn nhà hiện tại tôi đang ở. Nếu có dịp đến Future Coffee Farm Việt Nam, xin mời các bạn ghé qua căn nhà kỷ niệm của tôi từ tiền bán bắp luộc và bí bỏ.
Sự kiện thay đổi cuộc đời
Hòn đảo nơi tôi từng sinh sống và đang trồng trọt được quy hoạch để xây dựng nhà máy thuỷ điện. Họ bồi thường cho tôi một số tiền lớn. Cực kỳ lớn. Tôi dùng toàn bộ số tiền này để tập trung mua đất, tôi mua được 7ha vườn cà phê. Tôi không dùng số tiền đó để sửa nhà hay chi tiêu vào việc khác vì tôi quan niệm làm nông dân thì phải có đất. Mọi người bảo tôi gặp may, quả thật tôi cũng thấy mình may.
Có được vườn cà phê, tôi canh tác, trồng trọt, sơ chế như bao người nông dân vẫn làm. Hạt cà phê chín được thu lẫn với quả xanh, phơi trên bạt, đặt dưới nền đất. Nó được bán cho các thương lái căn cứ theo sàn giao dịch Luân Đôn. Sau này tôi mới biết, với chất lượng cà phê như vậy, chúng tôi chỉ đang bán cafein có trong hạt cà phê chứ không phải cà phê. Người ta mua cafein có trong hạt cà phê về làm cà phê hoà tan hoặc chiết xuất cafein làm bánh kẹo. Đó không phải cà phê. Cà phê phải có đầy đủ mùi thơm, hương vị, độ ngọt, độ béo, độ chua và những hương vị tuyệt vời của tính đặc trưng vùng miền .độ phân bố theo giải khí hậu. độ cao của trái đất .Công việc của tôi khi ấy không theo bất cứ một quy trình sơ chế nào cả, trong khi đáng lẽ nó có thể quyết định tới 70% giá trị của một ly cà phê ngon.
Cơ duyên làm ra cà phê đặc sản
Năm 2012, tôi tham gia vào một dự án cà phê bền vững và đón một nhân viên dự án về hướng dẫn cách trồng trọt, thu hái, sơ chế để làm ra cà phê chất lượng hơn. Nhưng nếu tuân thủ theo quy trình của họ, chúng tôi cũng chỉ được cộng thêm khoảng 300 vnđ. Trước khi chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật này ra về, nhìn thấy một đống cà phê, thóc, lẫn đất đá ở trước cửa nhà, anh có hỏi đây là loại cà phê gì. Tôi đáp, đây là những quả cà phê do những con chim đi ăn trái cây chín buổi tối, nó mút hết lớp mật, đường nằm giữa khe vỏ thịt và vỏ thóc của hạt cà phê rồi nhả hạt xuống đất. Chúng tôi thấy tiếc nên lượm lại mang về để phơi bán. Anh ta không hề suy nghĩ, nói rằng tôi hãy làm sạch nó và gửi về TP. Hồ Chí Minh, anh sẽ mua với giá cao hơn bình thường mà chúng tôi vẫn bán.
Tôi nhớ, Tết cổ truyền năm đó anh chuyển lại cho tôi một số tiền rất lớn. Khi ấy tôi tự hỏi, nếu như hạt cà phê được thu hái chín đúng cách và sơ chế sạch sẽ thì giá trị thực sẽ cao hơn rất nhiều.
Những hạt cà phê chim ăn bán được giá cao đã cho tôi một ý tưởng mới. Mình phải làm ra cà phê chất lượng cao hơn nữa. Con chim ăn cà phê, hạt rơi xuống đất là đã nhiễm mùi đất, nhiễm nấm không được vệ sinh. Nếu kiểm soát được việc này và áp dụng vào quy trình sản xuất thì chắc chắn có thể làm ra được cà phê đặc sản thực sự.
Đi tìm hiểu cách làm của thế giới
Tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu tất cả những gì có liên quan đến cà phê, cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Thời đó, điện thoại thông minh vẫn là một thứ xa xỉ, mạng internet được kéo dây đến từng hộ gia đình cũng là một ước mơ. Tôi lọ mọ ra tiệm internet, ngồi lỳ ở đó cả ngày và tìm kiếm tất cả những gì có thể, từ trồng trọt, sơ chế cho đến những phương pháp thử nếm. Internet thực sự là thứ màu nhiệm của xã hội hiện đại. Nó đưa một người nông dân ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh như tôi tiếp cận với những cách làm của thế giới với những tài liệu bằng tiếng Anh thì tôi sao chép rồi nhờ người dịch, sau khi đọc những tài liệu tôi đã hiểu từ việc chăm sóc vườn cây cách thu hái cần phải hái những quả cà phê thật chín, sau đó rửa sạch, lột vỏ, lên men và phơi trên những giàn phơi trong nhà kính, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, kiểm soát nhiệt độ trong suốt quá trình phơi...
Sau một năm tiếp cận kiến thức mới, tôi lên kế hoạch cho sự ra đời của Future Coffee Farm. Tên thương hiệu này do cô giáo của tôi đặt giúp, nó có nghĩa là nông trại cà phê của tương lai nhưng cũng thể hiện ước mơ về cà phê Việt Nam của tương lai.
Nói thì dễ, bắt tay vào làm mới là chuyện gian khổ. Tôi không có vốn. Để thực hiện được kế hoạch của mình, tôi cần có trong tay một số tiền lớn. Tôi vay mượn bạn bè, tất cả những ai có thể vay, tôi đến và nói cho họ về ý tưởng làm cà phê đặc sản theo công nghệ mới.
Sau khi nghe, chẳng ai tin vào dự án do tôi nghĩ ra. Họ nói, suốt bao đời nay, nông dân Việt Nam vẫn làm vậy, cứ trồng, chăm sóc theo cách truyền thống, hái tất cả quả xanh quả chín, phơi trên nền đất và vẫn bán được, dù giá trị thực sự của nó là không cao. Ngay cả anh trai tôi, khi nghe ý tưởng cũng nói rằng tôi sẽ thất bại, với cách làm và số tiền đầu tư lớn như vậy, chẳng biết sản phẩm của tôi có bán được hay không. Mặc kệ tất cả những điều đó, tôi vẫn tin dự án của mình chắc chắn sẽ thành công (vì khi khởi nghiệp tôi luôn tin vào dự án của mình thành công thì vốn chỉ là vấn đề thứ hai. Dự án có trước hay tiền có trước là do bạn nghĩ ) Với tôi, chỉ cần có trong tay một số tiền, tôi sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Ở hiền thì gặp lành, sau những lần gõ cửa đi vay thất bại, vẫn có những người bạn tốt chấp nhận cho tôi mượn tiền( Đó là Hiến một người bạn mà tôi chơi đã hơn hai mươi năm và nhiều người khác nữa)Để tiết kiệm nhất có thể, tôi lại sử dụng chiến thuật “tự cung tự cấp”, tận dụng mọi thứ có sẵn. Tôi chạy vào rừng chặt tre, chẻ thành những nan nhỏ, tự đóng thành giàn phơi cột của nhà kính cũng làm bằng tre (nói chung tận dụng tất cả những gì sẵn có mà không phải bỏ tiền ra mua) tổng diện tích giàn phơi của tôi khi đó khoảng 50m2.
Tôi tự tay làm tất cả mọi thứ chứ cũng không mướn một người nào cả. Về nhà xưởng sản xuất, tôi đi mua sắt thép tại những điểm bán ve chai về làm thẳng và dùi vào đống cát để làm sạch sau đó thì hàn nối lại, (tôi không phải thợ sắt hay thợ hồ mà vừa làm vừa học. Trong khi hàn tôi đã bị đau mắt lần đầu tiên tôi bị như vậy. Nó như có ai bốc một nắm cát bỏ vào mắt mình lúc đó tôi chỉ sợ mắt mình bị mù) sau đợt đó tôi đi hỏi những người thợ hàn họ chỉ cho tôi cách hàn và cách mang kính bảo hộ về xây tôi được nhưỡng người thợ chỉ cho cách lấy góc vuông và cách sử dụng thước nước. Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi lại đúc được một cây trụ, sau 1 tuần thì đúc xong được 8 cây trụ bê tông.
Để làm nhà xưởng. Tôi quyết định đi mua máy hàn, máy cưa, máy sắt về để làm mái Cứ như vậy ròng rã 3 tháng trời chồng xây vợ phụ hồ và vừa chăm sóc vườn cà phê, cuối cùng vợ chồng tôi cũng hoàn thành. Về máy móc rửa cà phê, tách quả xanh chín, vớt quả nổi, lọc đất đá, lột vỏ thịt, tôi đã đàm phán được với một đơn vị sản xuất rất tâm huyết. Họ đồng ý phân kỳ cho tôi trả thành nhiều đợt với một số tiền khoảng 7.500 đô la cho chiếc máy lột. Đầu tư xong xuôi về cơ sở vật chất và máy móc, tôi hồi hộp chờ đợi những trái cà phê chín để bắt đầu một mùa vụ và quy trình làm việc mới.
Mùa thu hoạch ấy cũng đã tới. Năm 2015
Và hoá ra đây mới là lúc cuộc chiến thực sự bắt đầu. Để làm ra cà phê đặc sản, yêu cầu máy lọt vỏ thịt không được làm mẻ cà phê thóc. Tâm trạng háo hức ban đầu dần bị thay thế bằng sự lo lắng. Chiếc máy lột làm mẻ hạt cà phê với một tỷ lệ lớn, cao hơn rất nhiều tiêu chuẩn cho phép. Đơn vị bán máy đã cử hai công nhân lên sửa chữa ngay cả giám đốc công ty bán máy cũng lên ở nhà tôi trong một tuần lễ nhưng cũng không thể khắc phục được việc này. Tôi tính đến chuyện trả lại máy, lượng hàng của tôi đã và có thể sẽ bị hư hại thêm rất nhiều. Quan trọng hơn, từ những vết mẻ, nước sẽ ngấm vào khiến hạt cà phê có vị chua như dấm và có thể gây ra hiện tượng thối, hạt sẽ có mùi như cống rãnh và khi tôi trình bày ý định trả lại máy không hề gây khó khăn, họ đồng ý cho tôi trả lại. Sau này tôi mới biết, loại máy ấy chỉ phù hợp với Arabica của Đà Lạt chứ không hợp với cà phê Robusta.
Được sự giới thiệu của anh Lưu Hoàng, Giám đốc Công ty kiếm định chất lượng cà phê, tôi tìm mua được một chiếc máy khác. Chi phí phải bỏ ra khi ấy lại là lớn hơn cái máy cũ tôi phải chạy lo về tài chính. Nnhưng tôi đã ngồi lên lưng cọp, không còn đường lui. Tôi quyết định tiếp tục dấn thân, gọi điện cho nhà sản xuất, trình bày ý tưởng về những hạt cà phê chất lượng cao và kế hoạch xuất khẩu ra thế giới. Một lần nữa, họ cũng đồng cảm với tôi, cho tôi phân kỳ trả góp trong nhiều tháng cùng lời hứa chiếc máy này sẽ hoạt động tốt.
Nhưng người tính cũng không bằng trời tính, khi tôi mang chiếc máy mới này về, tôi đã đặt rất nhiều kỳ vọng trong đó. Rồi lỗi cũ vẫn tiếp tục xảy ra, những hạt cà phê luôn bị mẻ vượt quá tỷ lệ cho phép. Mùa thu hoạch cứ thế qua đi, tôi chưa sản xuất được bất kỳ lô hàng nào. Hàng chục tấn cà phê bị máy làm hỏng không thể bán được. Tiền lương cho công nhân vượt quá khả năng chi trả hiện tại. Đây là những rủi ro mà tôi không lường trước. Mọi thứ kéo đến dồn dập, vắt kiệt sức lực của tôi. Vợ tôi khi ấy cũng bắt đầu tỏ ra lo lắng.
Chúng tôi đã bỏ ra một số tiền đầu tư rất lớn nhưng có thể rồi sẽ trắng tay.
Những người hàng xóm bắt đầu nói ra nói vào, rồi đến cả bạn bè và một số người xung quanh, rằng từ trước đến nay chẳng ai làm Robusta như vợ chồng nhà Tới. Đầu óc tôi như muốn nổ tung. Mỗi lần cảm thấy cần động lực, tôi cố gắng nhắc đi nhắc lại trong đầu mình một câu nói, “Nếu như bạn gặp khó khăn khi khởi nghiệp mà nghĩ đến bỏ cuộc thì hãy nghĩ về những ngày đầu bạn háo hức làm nó”. Vào khoảnh khắc ấy, tôi đã tin rằng, con cá bơi ngược chính là con cá mạnh mẽ nhất.
Tôi ví mình như đang chỉnh phuc một quả núi nếu gặp khó khăn tôi lại trèo xuống và đi tìm một quả núi khác để chinh phục và lại gặp khó khăn theo cách khác rồi lại quay lại thì cả đời tôi chỉ loanh quanh ở chân núi .Tôi tiếp tục động viên các kỹ sư hãy khắc phục chiếc máy, rằng chỉ cần sửa lỗi làm mẻ hạt cà phê, nó thực sự là một chiếc máy rất tốt. Nhóm chúng tôi miệt mài thử nghiệm, thay thế những bộ phận không phù hợp. Sau gần 20 ngày điều chỉnh, mài dũa các bộ phận, chiếc máy đã có lượt chạy thử nghiệm thành công với tỷ lệ hạt mẻ là 1% (với tỷ lệ nỗi này khi đến công đoạn sơ chế khô và đóng gói tôi sẽ nhặt và loại bỏ tiếp để đưa về tỷ lệ hạt mẻ là 0.5% như vậy là đặt tiêu chuẩn).
Hôm đó là 12 giờ đêm, khi tôi đang ngủ gật trên đống cà phê, tiếng la hét vui mừng của họ đã làm cả tôi và những người hàng xóm thức giấc. “Thành công rồi. Anh Tới ơi, thành công rồi”.
Tôi bừng tỉnh giấc, không kìm được nước mắt vì quá hạnh phúc khi nhìn thấy những hạt cà phê còn nguyên lớp vỏ lụa và tôi vẫn hàng mơ đến.
Khi mùa vụ chỉ còn tính bằng ngày, tôi cũng làm ra được những mẻ cà phê đầu tiên. Những ngày đầu, tôi mới có hai loại hàng là Fully Washed và Honey. Trong năm đầu tiên, mỗi phương pháp sơ chế đó tôi có khoảng một tấn hàng cho mỗi loại.
Hành trình mang hạt cà phê ra thị trường
Kết thúc một mùa vụ đầy vất vả, tôi háo hức di chuyển từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), nơi tôi làm cà phê, về thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu những hạt Robusta của mình. Trên vai tôi một bên là túi quần áo, một bên là cà phê, cả tuần rong ruổi khắp Sài Gòn. Tôi đến những quán cà phê lớn của thành phố với bao hi vọng là nó sẽ được mọi người chấp nhận. Nhưng không, sau khi uống thử cà phê tôi làm, các chủ cửa hàng đều từ chối mua. “Cà phê của anh không giống của chúng tôi. Cà phê chúng tôi đang dùng sánh, đen, đắng, đậm. Cà phê của anh có vị chua thanh, đắng nhẹ nhàng nó không hợp với khách hàng của tôi ”.
Sau này tôi mới biết, cà phê họ bán là một hỗn hợp gồm cà phê, đậu nành, bắp, rượu, bơ... Một số khác từ thì nói cà phê của tôi ngon nhưng chối mua vì cà phê tôi bán giá cao hơn nhiều với giá họ đang nhập.
Tôi có một quan niệm, một sản phẩm tốt và an toàn cho sức khoẻ con người, chắc chắn sẽ có người mua và nhiệm vụ đó là của mình không ai khác. Phải mất một thời gian khá dài Future Coffee Farm mới tìm được những khách hàng đầu tiên. Họ là đơn vị chuyên rang xay để phục vụ cho số ít khách hàng muốn thưởng thức cà phê chất lượng cao. Nhưng giá mà họ trả cho tôi và những tấn cà phê đầu tiên thực ra chỉ đủ để bù lại chi phí sản xuất. Tôi là một người nông dân, nếu không bán cà phê thì tôi cũng chẳng có tiền để nuôi sống gia đình và trả những khoản nợ đã đến kỳ thanh toán. Tôi cũng cần tiền để tái đầu tư cho vườn cà phê. Lúc ấy, do chi phí sản xuất quá lớn, giá cà phê bán được không đủ để bù lại, tôi tiếp tục ngập trong những khoản nợ. Tôi đến từng nhà những người bạn đã cho tôi vay tiền, gửi thư đến công ty bán máy, trình bày tất cả những khó khăn và mong mọi người hãy giúp tôi một lần nữa, cho tôi thiếu lại khoản tiền đang nợ, tôi sẽ trả họ theo lãi suất ngân hàng. May mắn thay, tất cả họ đều đồng ý.
Một năm xem như thất bại, nhưng với tôi, đó là những trải nghiệm mà chưa chắc có tiền đã mua được. (Có nhiều tiền để khởi nghiệp thì tốt nhưng khi hết tiền hết khởi nghiệp và kinh nghiệm bạn có được là cách sài tiền. Bạn có ít tiền nhưng dùng nội lực và tình thần để khởi nghiệp nó luôn cháy trong bạn không tắt niềm đam mê chân chính và sợ kiên trì nhẫn lại sẽ dẫn bạn tới đích đến).
Để nâng cao chất lượng cho vụ thu hoạch mới, tôi lao vào tìm kiếm kiến thức về cà phê. Tôi đọc tất cả tài liệu mà tôi tìm thấy trên mạng internet, kết hợp với truyền thống, thổ nhưỡng, khí hậu (Tôi cũng thấy có nhiều phương pháp làm được ở nước ngoài nhưng ấp dụng ở Việt Nam thì cần điều chỉnh chu phù hợp thời tiết) tôi cần tạo hệ sinh thái cho vườn cây là phải có cây che mát, sử dụng phân vi sinh để tạo hương vị và độ ngọt cho cà phê, không sử dụng thuốc diệt cỏ, dùng máy để kiểm tra độ đường của hạt cà phê chín, thu hoạch đúng thời điểm, chia rõ giai đoạn của việc sơ chế, tránh nhiễm khuẩn, kiểm soát khối lượng lên men, nhiệt độ lên men, độ pH của bể ủ, thời gian lên men, nhiệt độ trong nhà kính, nhận biết hạt lỗi của hạt nhân xanh, độ ẩm tiêu chuẩn của cà phê, phương pháp bảo quản…
Tôi cũng đăng ký một khoá học cơ bản về sơ chế và thử nếm. Cùng thời gian ấy, tôi gửi mẫu sản phẩm của mình cho các chuyên gia để xin đánh giá và điều chỉnh sai sót trước khi bắt đầu vụ mùa mới. Càng tìm hiểu về cà phê, tôi càng bị mê hoặc. Sau này tôi mới biết có một tổ chức chuyên nghiên cứu cà phê của thế giới tên là SCAA, trụ sở đặt tại Mỹ. Họ nghiên cứ về tất cả mọi thứ về cà phê, từ thổ nhưỡng, giống, cách canh tác, thu hái, sơ chế, rang xay, thử nếm. Điều thú vị khác, từ ngày có hạt cà phê đến giờ, chưa có một công thức nào mặc định “cà phê là phải làm như thế này thì mới ra được cà phê ngon”.
Vừa tự mình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, tôi vừa nghĩ phương án tiếp thị, mở rộng kinh doanh. Tôi bắt đầu đưa sản phẩm của mình lên facebook để giới thiệu. Đây là một kênh marketing rẻ, đơn giản, hiệu quả và có tính lan toả nhất mà tôi có thể làm. Bên cạnh đó, tôi cũng gửi cà phê mẫu cho một số khách hàng tiềm năng. Sau rất nhiều cố gắng, cuối cùng thì niềm vui cũng mỉm cười, tôi bắt đầu nhận được đơn hàng mới cho vụ thu hoạch thứ hai. Với một giá bán tốt hơn, có những nhà rang xay đề nghị mua độc quyền sản phẩm của Future Coffee Farm. Trong số đó có một nhóm khách hàng là bạn bè của nhau, họ họp lại và quyết định chọn Future Coffee Farm làm đối tác. Đây là 5 khách hàng mà tôi ấn tượng nhất, không phải vì họ đã vượt quãng đường 1800km từ Hà Nội về Bảo Lộc mà vì câu họ đã nói “Tụi em vào Bảo Lộc để mua cà phê của anh là vì muốn ủng hộ sản phẩm tốt, tiếp thêm động lực để anh đi tiếp. Tụi em đặt niềm tin vào anh về những ly cà phê đặc sản”.
Tôi cam kết giữ một mức giá thấp hơn cho nhóm khách hàng này trong 5 năm, thay lời tri ân đến họ vì đã ủng hộ tôi trong những ngày đầu khởi nghiệp. Với kinh nghiệm trong một năm sản xuất cùng sự giúp đỡ, điều chỉnh của các chuyên gia, mùa vụ thứ hai tôi đã làm ra những mẻ cà phê tốt hơn, ngon hơn, chất lượng hơn. Cũng thời điểm này, tôi quyết định mở rộng khu vực phơi cà phê ra 200m2, gấp 4 lần diện tích ban đầu. Một tin vui khác, tất cả khách hàng chấp nhận trả trước 50% giá trị lô hàng trước khi tôi bước vào vụ sản xuất mới.
Trải qua nhiều đêm mất ngủ và những bế tắc triền miên, thành công cũng đến và bắt đầu mỉm cười với tôi. Nhưng thành công của tôi không phải là trở thành một ông Giám đốc hay chủ một đồn điền bán được nhiều cà phê. Tôi hạnh phúc vì mình là một người nông dân tạo ra những hạt cà phê chất lượng. Cà phê đặc sản giống như một bản giao hưởng, còn tôi chỉ là người thợ cố gắng làm ra một chiếc đàn tốt tôi cần những người nhạc công để chơi bản nhạc giao hưởng này và đó là những người thợ làm rang xay cùng những bạn ban barista pha chế tâm huyết, tài giỏi.
Trong hành trình tiếp theo, tôi luôn mong gặp được những người như vậy. (Điển hình như Nguyễn Văn Hòa nhân sự cấp cao về cà phê của THE COFFEE HOUSE và bây giờ anh đang khởi nghiệp cùng STONE VILLAGE Một trường đào tạo được ủy quyền của SCA. Chúng tôi FUTURE COFFE FARM và STONE VILLAGE đang hợp tác trong nhiều công đoạn để sản xuất cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn FINE và SPECIALTY) chúng tôi tuy làm các công đoạn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, đi qua những khó khăn khác nhau, nhưng cùng một tình yêu và niềm đam mê với niềm tin phát triển cà phê Việt Nam theo tiêu chuẩn FINE và SPECIALTY của thế giớ.
Thực sự, cà phê đã đưa tôi đến với những điều hết sức tuyệt vời.
Đưa cà phê của Future Coffee Farm ra thế giới
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và nỗ lực của bản thân, sau 4 năm làm cà phê chất lượng cao, tôi đã có những khách hàng đến từ Nhật Bản, Mỹ, Bỉ, Đức Hàn Quốc,… những thị trường khó tính nhất thế giới mà tôi vẫn mơ ước sẽ bán được cà phê cho họ. Trong quá trình làm việc với người nước ngoài, tôi có một kỷ niệm vui nho nhỏ. Tôi không biết ngoại ngữ, khi nói chuyện với họ, dù là trao đổi trực tiếp, email hay nhắn tin, tôi đều phải dùng ứng dụng dịch của Google. Tất nhiên đó là một công cụ tốt, nhưng không thể đảm bảo chính xác 100%. Kỳ lạ là tôi luôn cảm thấy họ hiểu được những gì mình nói, chúng tôi cũng không gặp quá nhiều trở ngại. Chắc chắn tôi đã dùng sai từ, sai ngữ pháp rất nhiều lần, nhưng không thành vấn đề, điều đó vẫn giúp những hạt cà phê của tôi đi ra ngoài biên giới.
Có một khách hàng nước ngoài hỏi tôi rằng cty bạn đặt văn phòng ở đâu và có bao nhiêu nhân viên, tại sao bán hàng cho nhiều đối tác nước ngoài mà ko biết tiếng Anh? Tôi trả lời rằng (chỉ có minh tôi là duy nhất à thêm vợ nữa. Tôi làm tất cả công việc, đó là nông dân kiểm soát chất lượng sơ chế, marketing. Bán hàng, chăm sóc khách hàng. Còn việc ko biết tiếng Anh lại là cái hay trong trường hợp của tôi. Vì biết tiếng anh tôi đã đi làm văn phòng hay phiên dịch rồi đâu làm nông dân. Vì cái cốt nõi theo tôi nghĩ vẫn là bạn quan tâm đến sản phẩm cà phê của tôi có tốt hay ko để mua mà).
Niềm Tự Hào Của Tôi Cùng Niềm Tin Vào Cà Phê Việt Nam.
Sau bao năm nỗ lực không biết mệt mỏi cuối cùng tôi cũng đạt được số điểm CQI (Chartered Quality Professional) do Mỹ chấm điểm la 84.75 và 85 điểm cho hai mã hàng Winey Natural và Winey Honey được các khách hàng từ Nhật, Mỹ, Đức, Bỉ, Hàn Quốc nhập khẩu.
Phần cuối của câu chuyện, tôi muốn dành để nói về người khách đặc biệt nhất, ấn tượng nhất của Future Coffee Farm đó là Yoshinori Kuroda chủ của thương hiệu 8COFFEEROAST. Chúng tôi mất 3 năm, 4 lần gặp gỡ, 4 chuyến bay, tôi và anh chính thức ký một hợp đồng cà phê xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dấu ấn đầu tiên của sự hợp tác này sẽ là sự kiện Coffee Show được tổ chức tại Yokohama tháng 7/2019, và một xuất đặc cách tại triển lãm về cà phê SCAJ tổ chức tại trung tâm triển lãm TOKYO BIGSIGHT vào cùng năm đó. Ban tổ chức đã yêu tiên cho FUTURE COFFEE FARM một tiếng để đứng trước mọi người giới thiệu về cà phê của mình ở đó (cảm ơn Nguyễn Hải Linh và Duy Hồ đã chuyển cảm hứng cho bài giới thiệu của tôi tại SCAJ).
Quay ngược dòng thời gian, trở về năm 2016, Yoshinori Kuroda, khách hàng hiện tại của tôi, đến TP. Hồ Chí Minh và tìm hiểu về cà phê Việt Nam. Ông có ghé tham quan Coffee Show và được bạn Hoà, bạn Thuý của The Coffee House giới thiệu một số mẫu cà phê, trong đó có mẫu của Future Coffee Farm. Một năm sau, Yoshinori Kuroda quay lại Việt Nam lần thứ hai và ở lại khá lâu. Ông nói rằng mình rất ấn tượng với một mẫu cà phê và muốn tìm lại nó. Nhưng trong các mẫu ông nhận được trong lần trở lại này không hạt nào giống hạt cà phê ông đã nhìn thấy và thử. Cách giờ bay về Nhật Bản khoảng 10 tiếng, ông đã cố gắng liên lạc với bạn Hoà của The Coffee House thêm một lần nữa. Ông thật sự không quên và muốn tìm lại hạt cà phê đặc biệt trong những mẫu thử lần trước. Đến giờ phút này, tôi vẫn thật sự biết ơn Yoshinori vì đã ghi nhớ những hạt cà phê của tôi quyết tâm đến cùng để đi tìm nó.
Sau cuộc điện thoại của Yoshinori Kuroda, Hoà lập tức gọi điện thoại thông báo cho tôi về việc có một người Nhật đang tìm kiếm một mẫu cà phê. Bạn tin chắc đó là cà phê của Future Coffee Farm. Hoà cho tôi địa chỉ khách sạn của Yoshinori để gửi lại mẫu, nhưng tôi quyết định không làm vậy. Tôi đã trực tiếp đi đến TP. Hồ Chí Minh để gặp người khách hàng này. Thực sự biết ơn Hoà lúc đó đã giúp tôi tìm một phiên dịch, chị Kayoko Takahashi, một người phụ nữ nhỏ nhắn và nhiều tình cảm với đất nước Việt Nam. Việc được gặp trực tiếp Yoshinori Kuroda với tôi cực kỳ quan trọng, tôi có thể nói chuyện, chia sẻ những gì tôi hiểu về cà phê và nghe cảm nhận của ông. Quan trọng hơn, tôi đã có những mẫu cà phê mới và tôi tự tin để ông mang về thử nếm.
Trước đây, ông mới thử Honey và Fully Washed, nhưng đến ngày hôm ấy tôi đã có thêm Winey Honey, Winey Natural, Winey Red Honey và Fully Washed lạnh lên men (những phương pháp này do tôi tự tìm hiểu và thử nghiệm rất nhiều lần với rất nhiều cách thử nghiệm khác nhau bỏ đi rất nhiều sản phẩm bị hư) Tôi cũng muốn gặp mặt để tìm hiểu xem người nước ngoài, cụ thể là người Nhật họ uống cà phê như thế nào, các dụng cụ pha chế yêu thích của họ và các cảm nhận của họ về cà phê. Những thông tin hữu ích mà Yoshinori chia sẻ trong ngày hôm ấy đã giúp tôi điều chỉnh các mẻ sơ chế tiếp theo tốt hơn và đáp ứng được chất lượng cho thị trường Nhật Bản. Sau khi gửi cho ông 5 mẫu cà phê và ngồi nói chuyện khá lâu, tôi ra về. Chúng tôi có trao đổi Facebook và Email. Chị Kayoko cũng nhận lời sẽ giúp đỡ chúng tôi phiên dịch trong quá trình liên lạc.
Chia tay ông, tôi đợi phản hồi về những mẫu cà phê mới. Vài tháng sau, tôi nhận được tin nhắn của Yoshinori. Kết quả thử nếm cà phê rất tốt, đặc biệt là Winey Honey và Winey Natural. Ông cũng báo rằng đã đặt vé cho chuyến đi thứ 3 đến Việt Nam, lần này ông sẽ trực tiếp đến Future Coffee Farm. Tôi đếm từng ngày chờ ông quay lại.
Ngày đó cuối cùng cùng đến. Tôi và Kayoko chờ ông ở sân bay từ rất sớm. Hành trình 200km từ sân bay Tân Sơn Nhất về căn nhà nhỏ của tôi tại Bảo Lộc (ở Nhật mất khoảng 30 phút di chuyển còn ở đây là hơn 4 giờ) vì thời gian không có nhiều chúng tôi đã tranh thủ trao đổi và làm việc trong suốt quá trình di chuyển. Đây là chuyến đi cực kỳ quan trọng để ông tìm hiểu và thẩm định toàn bộ quy trình sản xuất của Future Coffee Farm. Tôi tin rằng, cả tôi và Yoshinori ngày hôm đó đã có những giây phút thực sự tuyệt vời. Tôi không để lãng phí bất cứ giây phút nào, tôi giới thiệu chi tiết cho ông từng khâu, từng bước của phương pháp sơ chế, hướng dẫn cho ông về cách làm ra từng loại cà phê. Chuyến ghé thăm kết thúc có phần chóng vánh, hoặc do sự hồi hộp đã khiến tôi có cảm giác thời gian trôi thật nhanh. Năm 2017, kết thúc lần gặp gỡ thứ hai, Yoshinori quay về Nhật cùng những mẫu cà phê ông yêu thích.
Vài tháng sau, tôi tiếp tục nhận được một bức thư, Yoshinori Kuroda sẽ quay lại Future Coffee Farm một lần nữa. Ông muốn sẽ quay lại vào đúng mùa thu hoạch của liên vụ 2018 – 2019 và muốn được sống cùng nhà tôi, làm việc với những người nông dân. Mùa cà phê này sẽ sự thật đặc biệt, tôi đón Yoshinori lần thứ ba. Nó đặc biệt hơn vì một lý do khác. Sau 4 năm làm cà phê đặc sản, tôi cũng gửi rất nhiều mẫu hàng đi chào các thị trường nước ngoài như Bỉ, Mỹ, Ý, Canada, Hàn Quốc và nhận được những phản hồi tích cực.
Nhưng để đáp ứng được cho những thị trường đó, tôi cần làm cho cà phê của mình có hương vị tinh tế hơn, thơm hơn, chua nhẹ, đắng dịu, ngọt, vị phức tạp, hậu vị kéo dài và quan trọng nhất là tính ổn định của các lô hàng sản xuất. Trong quá trình tìm hiểu, tôi đã được đọc về tài liệu lên men yếm khí trong phòng lạnh. Tôi đầu tư một phòng lạnh nhỏ với các dụng cụ lên men chuyên dụng như những bom bia bằng inox và thùng gỗ sồi làm rượu nho. Qua hàng chục mẻ cà phê thử nghiệm bằng công nghệ lên men trong phòng lạnh, tôi nhận thấy đây là phương án lên men phù hợp nhất cho cà phê Robusta được sơ chế Fully Washed, Winey Honey, Winey Natural. Việc thử nghiệm này cũng kịp hoàn thành trước cuộc ghé thăm thứ ba của Yoshinori.
Đó là một mùa cà phê nhiều kỷ niệm. Yoshinori đến, sống, sinh hoạt cùng gia đình tôi và những người nông dân. Ông cùng chúng tôi làm vườn, cùng sơ chế, cùng đảo cà phê và vác cả những bao cà phê. Mọi công đoạn trong quá trình sản xuất ông đều tham gia và trải nghiệm. Ông nói rằng đây việc là cần thiết, ông cần tìm hiểu về cách làm cà phê và thấu hiểu nỗi vất vả của những người làm ra cà phê đặc sản. Thời điểm ấy, tất cả giữa chúng tôi vẫn là trao đổi và chưa có hợp đồng nào được ký kết. Trước khi ra về, Yoshinori một lần nữa mang theo những hạt cà phê của tôi về Nhật để thử nếm và đánh giá chất lượng.
20 ngày sau, tôi nhận được một đơn hàng qua thư của Yoshinori Kuroda. Đó có lẽ là một trong những bức thư đáng giá và đáng nhớ nhất cuộc đời. Tôi đã hét lên vì sung sướng. Cảm giác mơ cùng một giấc mơ trong nhiều đêm, trong nhiều năm là một nỗi niềm hân hoan khó tả. Nhưng khi giấc mơ ấy thành sự thật, sẽ không có bất cứ từ ngữ nào diễn tả được niềm vui của bạn. Tôi đã làm được, Future Coffee Farm đã làm được.
Cà phê của tôi đã chính thức có đơn hàng từ Nhật Bản. Tháng 03/2019, tôi đón Yoshinori lần thứ 4 tại Sài Gòn. Lần này ông mang đến một hợp đồng đó là lần đầu tiên tôi một người nông dân được bước chân vào một khách sạn hạng sang để ký một hộp đồng mua bán chính thức với đối tác Nhật Bản. Bản hợp đồng được ông viết rất kỹ lưỡng với hai phiên bản Anh và Việt tôi để ý cây viết ký hợp đồng ngày hôm đó được in tên thương hiệu của ông và được ông tặng lại tôi làm kỷ niệm. Sau đó tôi được mời dùng bữa để chúc mừng và kỷ niệm ba năm ngày gặp mặt. Ông trở thành đối tác phân phối độc quyền cà phê đặc sản FINE Robusta của Future Coffee Farm tại Nhật.
Khoảnh khắc đặt bút ký hợp đồng, tôi đã tự nói với bản thân rằng, cần phải nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để làm ra những hạt cà phê hạnh phúc. Chắc chắn rồi cà phê của tôi, cà phê Việt Nam sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Hình ảnh dòng nước lũ chảy xiết, những đêm cô quạnh ở hoang đảo, con đường nhọc nhằn đi bán bắp, những hạt cà phê mẻ, những đêm thức trắng với đội anh em kỹ thuật, những lời từ chối, những lời động viên, những buổi trưa lang thang chào hàng khắp Sài Gòn, những cuộc chuyện với chuyên gia cà phê hàng đầu Việt Nam và thế giới… mọi thứ lần lượt hiện về như một bộ phim ngắn, đan xem cùng vô vàn cảm xúc phức tạp.
Bỗng trong một khoảnh khắc, tâm trí tôi dừng lại ở hình ảnh căn chòi nhỏ, vào ngày đầu tiên tôi đưa vợ về đảo. Cô ấy với khuôn mặt sáng ngời và ánh mắt không chút do dự, nói với tôi rằng: “Được. Em sống được. Chúng ta sẽ bắt đầu từ đây”.
Và chúng ta thực sự đã bắt đầu. Cảm ơn em!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc câu chuyện của tôi !
Bảo Lộc, ngày 25 tháng 9 năm 2019
Founder of Future Coffee Farm
Nguyễn Văn Tới